Năm 2024, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông đã hoàn thành kế hoạch giám sát trên quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mạng lưới viễn thông trên toàn quốc.

Việc thực thi giám sát được tập trung tại khu vực các đô thị lớn, bên cạnh đó còn mở rộng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo mọi khu vực đều được giám sát chặt chẽ và duy trì tuân thủ của các doanh nghiệp viễn thông đối với các quy định về kiểm định thiết bị viễn thông cũng như an toàn phơi nhiễm trường điện từ.

Hoạt động giám sát trạm BTS

Hình ảnh: Hoạt động giám sát trạm BTS tại hiện trường

Tại hội nghị triển khai kế hoạch giám sát năm 2024, lãnh đạo Trung tâm đã nhấn mạnh rằng, giám sát không chỉ là công tác quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và bảo đảm sự phù hợp của thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định, từ đó bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân. Trong quá trình kiểm định, việc tuân thủ QCVN 8:2022/BTTTT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng) đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Quy chuẩn này không chỉ quy định rõ các ngưỡng an toàn về trường điện từ (EMF), phương pháp đo đạc và giám sát, mà còn yêu cầu doanh nghiệp áp dụng những biện pháp thích hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của bức xạ lên cộng đồng.

Trong năm 2024, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông đã tổ chức 22 đợt giám sát, kiểm tra hơn 1.640 trạm BTS tại 45 tỉnh, thành phố. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương bảo đảm việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm QCVN 8:2022/BTTTT, và giữ cho các thiết bị viễn thông cùng đài vô tuyến điện luôn vận hành đúng với hồ sơ đã được thẩm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Những con số nổi bật:

  • 22 đợt giám sát được tổ chức
  • 1,640 trạm BTS được kiểm tra
  • 45 tỉnh, thành phố được khảo sát
  • 97.01% số trạm tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn

Kết quả cho thấy 97,01% số trạm được giám sát (tương đương 1.591 trạm) duy trì tuân thủ các quy định về kiểm định, và có 49 trạm (khoảng 2,99%) được phát hiện có điểm không phù hợp. Các điểm không phù hợp chủ yếu bao gồm:

  • 31 trạm gốc có địa chỉ thực tế, thông tin thiết bị phát không khớp với Giấy chứng nhận kiểm định.
  • 18 trạm không còn tồn tại tại địa điểm được cấp phép.

Hoạt động giám sát trạm BTS

Hình ảnh: Hoạt động giám sát trạm BTS tại hiện trường

Sau khi hoàn tất kế hoạch giám sát, đối với các trạm có điểm không phù hợp, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông đã kịp thời tham mưu Cục Viễn thông ban hành văn bản gửi đến các doanh nghiệp viễn thông, yêu cầu khẩn trương khắc phục các điểm không phù hợp trước ngày 15/01/2025. Đồng thời, các văn bản này cũng được gửi đến các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương để phối hợp giám sát, bảo đảm việc khắc phục được thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp các doanh nghiệp không khắc phục, Trung tâm sẽ báo cáo Cục Viễn thông xử lý theo quy định.

Sự phối hợp tích cực giữa các đoàn giám sát, doanh nghiệp viễn thông như: Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương là yếu tố then chốt cho thành công của công tác giám sát. Nhờ tinh thần trách nhiệm cao và ý thức nâng cao chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng niềm tin từ người sử dụng và cộng đồng về an toàn bức xạ điện từ cũng như tính ổn định của mạng lưới viễn thông.

Mặc dù vẫn còn một số trạm chưa hoàn toàn phù hợp, kết quả giám sát năm 2024 ghi nhận sự nỗ lực lớn của toàn ngành. Các trạm vi phạm sẽ tiếp tục được theo dõi, điều chỉnh chặt chẽ trong năm 2025 để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về an toàn bức xạ theo QCVN 8:2022/BTTTT.

Trong thời gian tới, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tần suất giám sát. Đồng thời, Trung tâm sẽ mở rộng phối hợp với các Sở Thông tin và truyền thông tại địa phương, bảo đảm việc tuân thủ quy định về an toàn phơi nhiễm trường điện từ của các trạm phát sóng di động, giữ vững niềm tin của người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành viễn thông Việt Nam.

Lê Hữu Đức - CNMT