Đo kiểm điện trở tiếp đất cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái

Trung tâm dữ liệu là mạng lưới các tài nguyên lưu trữ và tính toán, cho phép phân phối các ứng dụng phần mềm và dữ liệu. Về mặt vật lý thì trung tâm dữ liệu là một công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật (nhà trạm, hệ thống cáp, các thiết bị phụ trợ) cùng với hệ thống máy tính và tài nguyên được lắp đặt tập trung trên đó lưu trữ, xử lý, trao đổi, cung cấp dữ liệu và ứng dụng của một hay nhiều tổ chức, cá nhân.

Căn cứ Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT ngày 30/11/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với Trung tâm dữ liệu, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái (Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái) đã đề nghị Cục Viễn thông (Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông là đơn vị được Bộ TTTT chỉ định theo QĐ số 669/QĐ-BTTTT ngày 19/4/2023 về việc chỉ định tổ chức thử nghiệm) thực hiện đo kiểm điện trở tiếp đất cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, hạng mục nền tảng tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu cho chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái và triển khai các thành phần theo khung chính quyền điện tử.

Theo Quyết định số 669/QĐ-BTTTT, tại số thứ tự 45 phần II của mục 2. a. Phạm vi chỉ định: Bộ TTTT chỉ định Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông là tổ chức thử nghiệm đo kiểm Trạm viễn thông, trung tâm dữ liệu theo QCVN 9:2016/BTTTT và QCVN 32: 2020/BTTTT, trong đó, đối với QCVN 9:2016/BTTTT áp dụng cho chỉ tiêu kỹ thuật tổ tiếp đất tại mục 2.1.1 của QCVN 9:2016/BTTTT.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái (Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái) xác định sự cần thiết của việc đo kiểm tiếp đất cho Trung tâm dữ liệu tỉnh, đó là: Trung tâm dữ liệu tỉnh Yên Bái đóng vai trò cốt lõi trong việc vận hành, lưu trữ, và xử lý dữ liệu của các cơ quan nhà nước tại địa phương, đảm bảo tính liên tục và an toàn thông tin cho hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ công. Mọi sự cố liên quan đến điện hoặc tác động từ sét đánh có thể gây ra hư hại nghiêm trọng đối với máy chủ, thiết bị lưu trữ, và hệ thống mạng tại Trung tâm dữ liệu, dẫn đến gián đoạn hoạt động, thậm chí mất mát dữ liệu quan trọng.

Trung tâm dữ liệu (Data center) tỉnh Yên Bái

Tại buổi họp triển khai công tác đo kiểm điện trở tiếp đất cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh Yên Bái, đồng chí Nguyễn Khánh Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cảm ơn sự phối hợp của Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông, Cục Viễn thông. đồng chí Nguyễn Khánh Phương xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho Trung tâm dữ liệu, đóng vai trò cốt lõi trong việc vận hành, lưu trữ, và xử lý dữ liệu của các cơ quan nhà nước tại địa phương phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung.

Trao đổi, bàn bạc trước khi triển khai đo kiểm

Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cung cấp các hồ sơ, tài liệu cần thiết như các loại sơ đồ, bản vẽ hoàn công: sơ đồ tòa nhà; sơ đồ kết nối hệ thống rack; sơ đồ hoàn công hệ thống điện; sơ đồ hoàn công hệ thống tiếp đất; sơ đồ hoàn công hệ thống chống sét và cử cán bộ quản lý kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu tỉnh phối hợp triển khai thực hiện cùng với các cán bộ của Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông.

Trao đổi nghiệp vụ, kỹ thuật trong khi thực hiện đo

Từ ngày 26/12/2024 đến 28/12/2024, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông đã thực hiện đo kiểm điện trở tiếp đất cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh Yên Bái. Đoàn đo cũng đã xác định một số vấn đề và khuyến nghị Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cần khắc phục như: tại tấm tiếp đất chính của Trung tâm dữ liệu có hiện tượng bu lông, êcu, vòng đệm dùng để kết cuối cáp bị han rỉ có thể tiếp xúc không tốt sẽ không đảm bảo an toàn. Trên cơ sở khuyến nghị này, Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái đã có biện pháp khắc phục các điểm còn tồn tại để nâng cao độ an toàn, sự sẵn sàng của Trung tâm dữ liệu. Kết quả đo cho thấy giá trị điện trở tiếp đất của Tổ tiếp đất của Trung tâm dữ liệu (Data center) tỉnh Yên Bái là 0,91 Ω là phù hợp với QCVN 9:2016/BTTTT quy định “Tổ tiếp đất phải có giá trị điện trở tiếp đất không lớn hơn 10 Ω”.

Qua công tác đo kiểm có thể thấy Hệ thống tiếp đất và chống sét cần được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề như suy giảm khả năng dẫn điện hoặc hư hỏng vật liệu, từ đó thực hiện bảo trì, sửa chữa kịp thời, đảm bảo hiệu quả vận hành lâu dài cho Trung tâm dữ liệu.

Hiện nay, Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông đã nộp hồ sơ đề nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) đề nghị Bộ chỉ định Trung tâm đo kiểm toàn bộ QCVN 9:2016/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp đất cho các trạm viễn thông”.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ được chỉ định đo kiểm toàn bộ QCVN 9:2016/BTTTT (Trung tâm đã được chỉ định đo toàn bộ QCVN 32: 2020/BTTTT); nếu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cũng như các Sở TTTT khác có mong muốn tiếp tục đo chỉ tiêu về tiếp đất cho các trạm viễn thông và chỉ tiêu về chống sét cho các trạm viễn thông và mạng cáp ngoại vi viễn thông theo QCVN 9:2016/BTTTT và QCVN 32: 2020/BTTTT, Cục Viễn thông sẵn sàng giao Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tiếp tục phối hợp thực hiện.

Việc ra đời Thông tư số 23/2022/TT-BTTTT với các quy định sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu sẽ giúp cho hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số tại Việt Nam.

Theo PTNHC-NHT

Share on facebook
Share on twitter
Share on email
Tin liên quan

TQC

TRỤ SỞ CHÍNH

Tầng 7, 8 – Tòa nhà Cục Viễn thông, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

CHI NHÁNH MIỀN TRUNG

Số 42, đường Trần Quốc Toản, phường Hải Châu I, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

CHI NHÁNH MIỀN NAM

Số 60, đường Tân Canh, phường 1, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

TÍN NHIỆM MẠNG

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright @ 2024